Tôi rất thích nhìn ảnh chụp những cụ ông cụ bà dù bảy, tám mươi tuổi vẫn tình cảm với nhau. Những khi ấy, tôi lại mỉm cười, lòng hạnh phúc và phấn chấn lạ kỳ. Vì là, hóa ra, tình yêu đến cuối đời là có thật.
Cách đây hai hôm, tôi đọc được dòng ghi chú rất dễ thương trong một bức ảnh của Đặng Tiểu Tô Sa – cô cháu gái của thầy Cương chụp từ trong phòng bệnh thầy nằm:
“Ông bảo bà chẳng quan tâm gì đến ông cả” – giọng dỗi dỗi khi bà dịch ghế ngồi xa ông ra… Khiếp quá đi xa có 20 cm à…
Trong bức ảnh, thầy Cương nằm trên giường bệnh, thầy trông gầy và mệt, nhưng túc trực bên cạnh là cụ bà – người vợ nhiều chục năm gắn bó.
Hình ảnh đáng yêu do Đặng Tiểu Tô Sa – cháu gái thầy Cương ghi lại. (Nguồn ảnh: Instagram)
Ở cái tuổi đã qua thất thập cổ lai hy, ở cái thời điểm mà tình trạng sức khỏe của thầy Cương đúng ra sẽ khiến tất cả mọi người quanh đều lo buồn, thì thầy lại đang bận dỗi vợ “không quan tâm”, chỉ vì bà ngồi dịch ra xa thầy chưa quá một gang tay. Hành động tưởng như chẳng có gì, nhưng khi đặt trong bối cảnh người ta ốm đau thì lại khác, khiến người ta tủi thân nhiều lắm. Trẻ như chúng ta đây, nhiều khi đi chung với người yêu, người ta ngãng mình ra cái là đã cảm thấy bị bỏ rơi, bị tủi thân nhiều lắm rồi, nữa là người ốm như thầy Cương.
Khi mà người ta vẫn còn dỗi nhau vì sự tủi thân thế này, tức là tình cảm của họ vẫn còn mặn nồng lắm, lúc nào cũng muốn người kia chú ý, ở bên cạnh mình không phút nào rời xa.
Một bức ảnh với dòng ghi chú ngắn ngủi ấy thôi nhưng khiến tôi tin rằng, dù ở tuổi 20 hay 80, thì tình yêu chẳng bao giờ già. Tình yêu luôn trẻ và có rất nhiều cung bậc cảm xúc: yêu thương, đau khổ và cả hờn dỗi.
Cô Văn Thùy Dương, con gái thầy Văn Như Cương từng đăng tải một bức ảnh hình cha mẹ mình đang đi uống cà phê với nhau kèm câu chuyện đáng yêu không kém:
“Sáng nay đưa bố đi cà phê nhé! Hai bố mẹ còn ngồi cạnh và nắm tay nhau. Mẹ bảo “như hồi mới yêu ý nhỉ”. Bố cười tủm tỉm như kiểu ngượng ý. Yêu kinh!”
Hay rồi cô còn kể chuyện về cái thời còn cơ cực của gia đình mình, mẹ cô đương là một tiểu thư Hà Thành lại chấp nhận lấy một anh giáo nghèo, nhưng chưa một lần bà trách nửa lời, trái lại còn sẵn sàng làm mọi việc vất vả để chồng mình yên tâm công tác.
“Mẹ hát hay, nấu ăn ngon… nhưng khi tôi lớn lên, điều đặc biệt mà tôi luôn nhận thấy ở bà là mẹ chăm sóc chồng đến mức không ai có thể chê bà bất cứ điểm nào… Mẹ tần tảo và vất vả nhưng khi bố tôi đi làm về đến nhà, chưa bao giờ tôi thấy mẹ thiếu đi cử chỉ yêu thương chăm sóc bố. Bố làm gì mẹ cũng giành lấy để làm cho bố đỡ mệt”.
Bao nhiêu thăng trầm trong cuộc hôn nhân nửa thế kỷ của cô, của thầy đúc đi kết lại cũng chỉ là được bên nhau mà bông đùa, châm chọc ở cái dốc cuối cuộc đời này mà thôi. Đích đến của tình yêu, suy đi tính lại cũng chỉ đơn giản là như vậy.
Bạn đời chính là người bạn ở cạnh suốt cuộc đời
“Năm nay tôi 79 tuổi, vợ tôi 76 tuổi và chúng tôi vẫn nói “Anh yêu em”/ “Em yêu anh” bình thường. Chẳng lẽ người già như chúng tôi lại không yêu nhau à? Nếu giờ vợ tôi nói với tôi câu đó thì tôi càng vui chứ chẳng có phản ứng bất ngờ, ngạc nhiên hay sốc vì vợ tôi vẫn thường nói câu đó với tôi”, thầy Cương đã từng nói như vậy, như một lời lý giải cho tình cảm vẫn đang hừng hực cháy của hai vợ chồng thầy cô.
Thầy Cương chẳng ngại phô bày cảm xúc của mình, không ngại việc trong mắt vợ, hay người ngoài, mình sẽ là gã đàn ông sến sẩm ướt át, đi ngược lại hình ảnh lạnh lùng mạnh mẽ thông thường của đàn ông. Rõ ràng, tình cảm với chính người mình yêu, cho người ở bên cạnh mình suốt đời thì đâu có gì để mà ngại ngùng.
Chúng ta đều yêu nhau bằng những điều nhỏ nhặt tình cảm như thế mà thôi. Tình yêu nó như một nồi cháo ấy, càng hâm nóng thì sẽ càng ngon, để nguội tanh nguội ngắt thì chẳng còn vị gì.
Và cũng có lẽ, vì thầy và cô đã từng phải trải qua sự chia cắt vì chiến tranh, thầy lại càng trân trọng hơn những giây phút ở bên nhau.
Bức ảnh ấy khiến tôi nhớ đến bộ phim đã lấy đi của mình không biết bao nhiêu là nước mắt: The Notebook – một bản tình ca kinh điển về tình yêu, tình vợ chồng vượt lên trên mọi nguyên tắc, lề lối, đạo đức xã hội.
Khi nàng là tiểu thư con nhà quyền quý, chàng là gã trai quê nghèo khố rách áo ôm. Thế mà vẫn yêu nhau, vẫn nhớ nhau, vẫn về với nhau. Đến cả khi già đi, khi Allie bị mắc chứng Alzheimer (mất trí nhớ), thì Noah vẫn cứ nhất định cùng vào viện dưỡng lão, nhắc nhớ mỗi ngày một chút để vợ không quên mình, nhớ ra mình.
Và hình ảnh chắc chắn khiến bờ vai của bất kỳ ai cũng phải run lên, chính là khi Noah nằm cạnh và trút hơi thở cuối cùng bên vợ mình, người vừa mới ra đi trước đó không lâu. Tình vợ chồng, hóa ra chỉ là ở bên nhau đến cuối cùng, là đi với nhau đến hết con đường. Và nhất định, không bao giờ buông tay nhau ra.
Thầy Cương là một người rất được kính trọng, vì thầy đã có rất nhiều đóng góp cho nền giáo dục nước nhà. Nhưng chỉ với một tấm ảnh giản dị kia thôi, người ta chắc sẽ còn kính trọng, trân quý thầy hơn rất nhiều.
Vì đó không chỉ là một thầy giáo, không phải chỉ là một người đàn ông, không phải chỉ là một nhân vật có vai vế, mà còn là một người chồng đúng nghĩa. Yêu một người phụ nữ từ thuở đôi mươi, là mối tình đầu và cũng là mối tình sau cuối nhất, hẳn ai cũng ước được một lần viết nên chuyện tình như vậy.
Hôn nhân chính là học yêu đi yêu lại, chỉ duy nhất một người
Có một câu chuyện tôi đã nghe từ rất lâu rồi mà vẫn nhớ đến tận bây giờ. Khi một đôi vợ chồng già được hỏi “Bí quyết nào khiến ông bà sống được cùng nhau lâu đến thế?”, cụ ông đã trả lời đơn giản mà thấm thía thế này:
“Chúng tôi sống ở thời mà cái gì hỏng hóc, chúng tôi sẽ sửa chứ không vứt nó đi“.
Đúng thế, hôn nhân chính là học yêu đi yêu lại, chỉ duy nhất một người. Những ai nói hôn nhân là mồ chôn của tình yêu, hay hôn nhân là một cuốn tiểu thuyết ái tình mà hai nhân vật chính chết ngay ở chương một đều là những người không có niềm tin vào tình yêu, vào đối phương, và vào chính mình. Nếu tình yêu đủ lớn, thì tất cả những thử thách, khó khăn ấy, chúng ta đều sẽ vượt qua mà thôi. Dù lâu hay dù mau, chúng ta cũng sẽ phải học cách cùng nhau vượt qua giông bão.
Nhiều người vẫn nghĩ tình yêu là màu hồng, là đẹp như cổ tích. Khi cưới nhau rồi, phô bày mọi đỏ đen cho nhau rồi thì sẽ hóa bùn hết.
Nhưng bạn ạ, đến cả truyện cổ tích cũng không phải truyện cổ tích. Nếu bạn biết cái kết thật sự, chứ không phải những happy ending mà người ta gắn cho nó. Như trong “Cô bé quàng khăn đỏ” nguyên gốc, không có bác thợ săn, không có người bà đang ốm. Chỉ có một cô bé đi trong rừng, nghe lời lừa phỉnh của con Sói và tin theo để bị Sói ăn thịt. Hết. Nhân vật chính là cô bé cả tin và con Sói béo. Hiệu ứng tâm lí “foot in the door” (cho Sói gửi chân) chắc từ truyện này mà ra.
Hay “Nàng tiên cá” thực ra cũng chẳng có happy ending nào hết. Cuối cùng hoàng tử vẫn lấy cô gái khác, nàng tiên cá thì tuyệt vọng chết đi và hóa thành bọt biển, tan biến vào hư vô. Không có cái kết một đám cưới Hoàng gia lộng lẫy rồi Hoàng tử, Tiên cá chung sống với nhau hạnh phúc trọn đời.
Thầy Văn Như Cương và vợ lúc nào cũng bên nhau không rời.
Thế nên đừng bao giờ, đừng bao giờ tin vào câu nói “đẹp như truyện cổ tích”, “chuyện tình như cổ tích” vì cổ tích cũng khắc nghiệt, ám ảnh, đầy đau đớn và phũ phàng như đời thực vậy.
Điểm khác nhau duy nhất, có lẽ là thái độ sống giữa nhân vật ngoài đời thường và nhân vật trong truyện kể.
Thái độ sống là động lực để người ta thay đổi những cái kết đầy ám ảnh đấy thành những happy ending, để chúng ta luôn thấy, luôn nghĩ đến những điều tích cực. Tất nhiên, chẳng có cái kết hoàn mỹ như truyện đã kể lại, mà giăng phủ đầy mây mù âm u, lần đi đâu, chạy tới đâu không phải do chúng ta quyết, nhưng cải thiện được cái đích đến ấy hay không, hoàn toàn nằm trong tầm tay mỗi người.
Vui hay buồn, nhẹ nhàng hay nặng nề đều do chính mình mà ra cả. Ai chẳng đã có lần ôm ngực mà khóc không thành tiếng rồi, chỉ là có quyết tâm bỏ lại tất cả và vượt qua hay không.
Chỉ cần nhớ rằng, đến cuối cùng, ai sẽ là người ở lại bên mình, ai sẽ là người vẫn nắm tay mình, để mà đối tốt với người ta, trân quý người ta, vậy là tự nhiên hôn nhân sẽ trở nên viên mãn.
Và như Noah đã từng nói với các con mình khi họ muốn ông về nhà chứ không ở viện dưỡng lão nữa, “Ta không đi đâu cả, mẹ các con đang ở đây. Bà ấy chính là nhà. Đây là nhà của ta!”. Có lẽ với thầy Cương, vợ ông cũng chính là nhà. Thế nên dù ở bệnh viện hay ở bất kỳ đâu, chỉ cần nắm tay nhau, là thầy đã thấy như đang ở chính nhà mình rồi.