Bộ Giáo dục sẽ công nhận kết quả học trực tuyến, truyền hình

1
4121

(GDVN) – Bộ Giáo dục đang soạn thảo quy định cụ thể về việc dạy học trực tuyến, trên truyền hình để từ đó có thể công nhận kết quả học tập bằng phương thức này.

Trước tình hình dịch bệnh Covid-19, Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam nhiều lần gửi kiến nghị lên Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo cho các trường triển khai phương thức giáo dục từ xa (bao gồm dạy học trực tuyến, qua truyền hình) và công nhận kết quả học tập của các trường triển khai nghiêm túc.

Khi dịch bệnh diễn biến phức tạp, thời gian nghỉ của học sinh kéo dài, vừa qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành văn bản số 793/BGDĐT-GDTrH về việc tăng cường dạy học qua internet, trên truyền hình trong thời gian học trò nghỉ đến trường để phòng, chống Covid-19.

Theo đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu giáo viên xây dựng kế hoạch dạy học, bài học và có biện pháp để hỗ trợ học sinh học; Tương tác với học sinh để kiểm soát quá trình học. Giáo viên giao nhiệm vụ học tập theo nội dung bài học và hướng dẫn học trò thực hiện các buổi học qua Internet, trên truyền hình…

Nhận xét, đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ học tập đã giao. Khi học sinh đi học trở lại, các nhà trường tổ chức rà soát, đánh giá kết quả học tập qua Internet, trên truyền hình.

Bộ Giáo dục đang soạn thảo quy định cụ thể về việc dạy học trực tuyến, trên truyền hình để từ đó có thể công nhận kết quả học tập bằng phương thức này. (Ảnh minh họa: TTXVN)

Mặc dù vậy, ghi nhận của phóng viên cho thấy mặc dù Bộ đã yêu cầu các địa phương tăng cường dạy qua internet, qua truyền hình nhưng nhiều nơi triển khai chưa quyết liệt bởi lẽ họ cho rằng “kết quả học tập từ xa chưa được công nhận, khi quay trở lại trường học mới được đánh giá, nhận xét cho nên không hứng thú tổ chức dạy học bằng hình thức này”.

Trước thực tế, ngày 20/3, trao đổi với Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Nguyễn Xuân Thành – Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho biết, dù năm 2017, Bộ đã ban hành công văn 4612/BGDĐT-GDTrH hướng dẫn thực hiện chương trình giáo dục phổ thông hiện hành theo định hướng phát triển năng lực và phẩm chất học sinh trong đó có 4 điểm hướng dẫn các nhà trường thực hiện.

“Tuy nhiên, đến nay chúng ta chưa có quy định cụ thể về việc dạy học trực tuyến, trên truyền hình với các yêu cầu về tài liệu ra sao, hạ tầng cần đáp ứng như thế nào, người học, người dạy cần chuẩn bị những gì…để đảm bảo chất lượng và hiệu quả tức là việc dạy, học là thật.

Bởi vậy, Bộ Giáo dục và Đào tạo đang xây dựng dự thảo quy định những nội dung về việc triển khai hình thức dạy-học từ xa trong các cơ sở giáo dục phổ thông.

Nếu địa phương, nhà trường có hệ thống để tổ chức dạy học trực tuyến, dạy học trên truyền hình bảo đảm quy định của Bộ, việc học của học sinh được giám sát, bảo đảm chất lượng thì khi đó, kết quả kiểm tra, đánh giá quá trình học trực tuyến, học trên truyền hình được công nhận. Các nhà trường sẽ công nhận kết quả đó cho học sinh”, ông Thành nhấn mạnh.

Trước đó, thầy Nguyễn Tùng Lâm – Chủ tịch Hội tâm lý giáo dục Hà Nội chia sẻ với Báo điện tử Giáo dục Việt Nam rằng, nếu nghỉ 1-2 tuần thì có thể học sinh chỉ ôn tập kiến thức nhưng giờ thời gian nghỉ đã kéo dài hơn 1 tháng do đó chắc chắn các trường phải triển khai học kiến thức mới.

“Đây chính là “thời điểm vàng” để công nhận hình thức học tập từ xa đi kèm với đó là phải có quy chế hướng dẫn cụ thể để các cơ sở giáo dục thực hiện. Bởi không phải mọi học sinh lúc nào cũng có thể tham gia một lớp học truyền thống với phấn trắng bảng đen cùng sự tương tác trực tiếp giữa thầy và trò ví như trường hợp học sinh ốm đau phải cách ly…

Chứ nếu không hợp pháp hóa hình thức học tập này mà cứ thả nổi các địa phương như hiện nay thì sẽ xảy ra tình trạng có nơi triển khai, có nơi không.
Thêm vào đó, hình thức này cũng đã được thế giới công nhận thì chúng ta cũng nên đi theo xu hướng toàn cầu hóa đó”, thầy Lâm nhấn mạnh.

Thùy Linh

1 COMMENT

LEAVE A REPLY