Chuyện tình yêu của PGS Văn Như Cương: Để đi gần hết cuộc đời vẫn nắm tay nhau và nói “Anh yêu em”

0
4760

PGS Văn Như Cương đã nằm viện vì bệnh trở nặng gần 20 ngày qua. Túc trực bên ông là người vợ – cô giáo Đặng Kiều Oanh. Người vợ nào mà chẳng ở bên chồng những lúc ốm đau. Cớ gì mà chuyện tình yêu của hai ông bà lại khiến người ta cảm động?

PGS Văn Như Cương, Chủ tịch HĐQT trường THPT Lương Thế Vinh, đã bước sang tuổi 81. Cả một đời cống hiến cho sự nghiệp giáo dục, nổi tiếng với những phát ngôn thẳng thắn, nổi tiếng với cả bộ râu bạc tuyết quắc thước và tính cách nghiêm khắc quyết liệt, PGS Văn Như Cương chắc không ngờ được rằng ông còn nổi tiếng bởi tình yêu.

Những ngày qua, hình ảnh cô giáo Đặng Kiều Oanh tuổi đã kề cận 80 nhưng vẫn ngày đêm túc trực bên chồng trên giường bệnh lại khiến những người kính ngưỡng PGS Văn Như Cương được dịp xôn xao. Cớ gì đâu phải xôn xao chuyện bà chăm ông lúc xế chiều, bởi bất kì cặp vợ chồng nào sống đến lúc đầu bạc răng long mà chẳng dành cho nhau cái nỗi ân cần trìu mến pha lẫn xót xa ái ngại ấy. Cớ gì đâu phải xôn xao chuyện hai người già nương tựa vào nhau, bởi chia sẻ với người đã chứng kiến tất cả mọi hỉ nộ ái ố cùng mình từ lúc tóc còn như sợi tơ xanh đến lúc bạc như sợi cước là sự chia sẻ dễ dàng và trọn vẹn hơn tất thảy. Ngay cả khi, trong suốt những tháng năm chờ thời gian tẩy màu tóc ấy, người ta có thể ném nhau đi, có thể dày vò nhau, có thể phụ bạc nhau, có thể phủ nhận nhau, có thể thấy vô nghĩa bên nhau. Nhưng đến giây phút lắng cặn của đời thì lại luôn cần một bàn tay có những đường vân thời gian nhăn nhúm giống mình để níu lấy.

Câu chuyện tình yêu của PGS Văn Như Cương thì khác. Nó khác bởi nó không gây xúc động theo kiểu giật gân lúc xế chiều. Nó khác bởi nó là một cuộc hành trình yêu thương và sẻ chia trọn vẹn một cuộc đời. Những gì người ta được đích thân PGS Văn Như Cương nói về tình yêu của mình vỏn vẹn chỉ có vài dòng mang tính “lý lịch”. Ngày ấy, chàng sinh viên Bách Khoa quê Nghệ An về trường nữ sinh Trưng Vương thực tập thì gặp cô học trò Đặng Kiều Oanh. Hai bên cảm mến nhau. Tình yêu cứ thế nảy nở giữa thầy giáo nghèo và cô tiểu thư Hà Thành. Được gia đình đồng thuận, cô Oanh theo thầy Cương vào Nghệ An khi thầy được giao nhiệm vụ xây dựng trường Đại học đầu tiên tại Vinh năm 1959. Năm 1961, cô Oanh tốt nghiệp, thầy Cương xin bố mẹ đôi bên cho phép hai người được về chung một nhà. Năm 2017 này, họ đã là vợ chồng của nhau được 56 năm. 4 năm nữa là tròn một vòng lục thập hoa giáp của đời người.

Trong 56 năm ấy, họ đã sống với nhau ra sao thì thầy Cương chưa từng kể. Ngoại trừ chuyện thời bao cấp nghèo khó, cô tần tảo sớm hôm để nuôi gia đình với ba người con tuổi ăn tuổi lớn. Chuyện thầy Cương nuôi lợn vốn nổi tiếng như một giai thoại. Nhưng thực ra người nuôi lợn là cô Oanh kia. Cô khéo léo xin được suất tem phiếu ngoại giao mua cám lợn. Cám mang về cô chỉ tính toán dùng một phần, phần còn lại bán đi lấy đồng chi tiêu. Rồi cô tranh thủ đi xin nước gạo. Nhờ mát tay, lợn cô nuôi lứa nào cũng có lãi. Số tiền nuôi lợn và bán cám của cô có khi lên đến 70 đồng, vừa vặn bằng lương Tiến sĩ thời ấy. Thế nên PGS Văn Như Cương mới đùa “Nhà tôi có hai Tiến sĩ. Một là tôi, hai là lợn”.

Thầy chỉ kể vậy. Nhưng ai thấu hiểu thời cuộc lúc ấy mới biết chỉ riêng việc cô lấy thầy đã là một giai thoại rồi. Trường nữ sinh Trưng Vương vốn là trường của con nhà khá giả. Thầy Cương lại xuất thân đất Nghệ Tĩnh, gia đình nghèo khó với 7 anh chị em. Thế nhưng, sự tương đồng về nền nếp gia phong của hai gia đình có truyền thống làm nghề dạy học đã khiến họ đến được với nhau không quá khó khăn. Bậc thân sinh của cô không phân biệt sang hèn. Không vì chàng giáo nghèo tỉnh lẻ mà chê bai cấm đoán. Họ còn cho phép con gái theo người yêu vào Nghệ An học tập, sinh sống, từ bỏ cuộc đời nhung lụa ấm êm, đi làm dâu một gia đình nghèo khó, bươn chải giữa cảnh đất nước loạn lạc vì chiến tranh. Mới biết, thầy Cương phải là người thế nào thì gia đình cô Đặng Kiều Oanh mới tin cẩn gửi gắm con gái mình đi như vậy.

Thầy Cương học Bách Khoa, sau này làm giáo viên dạy Toán, xuất thân gia đình đồ Nho nhiều đời ở xứ Nghệ. Những phác họa lí lịch ấy khiến người ta mường tượng ra một người đàn ông mẫu mực, nguyên tắc, nghiêm khắc, khô khan và gia trưởng. Thầy Cương ở trường Lương Thế Vinh cũng nổi tiếng là người nghiêm khắc. Thầy Cương trong giới giáo dục càng nổi tiếng là người nguyên tắc, thẳng thắn đến quyết liệt. Còn thầy Cương trong gia đình “cương” hay “nhu”? Con gái thầy, cô giáo Văn Thùy Dương, từng chia sẻ về cách dạy con nghiêm khắc của cha mình. Nhưng cũng lời cô Văn Thùy Dương, thì “bố cả đời chưa bao giờ gọi anh xưng em với bất cứ người phụ nữ nào ngoài mẹ và em gái.”

Tuổi 80, con cháu đề huề, thầy Cương và cô Oanh vẫn gọi nhau là “anh – em” thay vì lối xưng hô quen thuộc “ông – bà”. Người trẻ có thể thấy chuyện xưng hô “anh – em” là bình thường. Nhưng với tập tục của người Việt, cách xưng hô ấy với những cặp vợ chồng cao tuổi thì “Tây quá”. Song thầy Cương là thế. Một mặt thầy giữ gìn rất kĩ nền nếp gia phong truyền thống của một gia đình nhiều đời dạy học, một mặt thầy rất hiện đại và cởi mở. Riêng chuyện tình yêu thì có lẽ những đôi trẻ ngày nay cũng không theo kịp.

Thầy lãng mạn. Không lãng mạn thì thầy đã chẳng viết nên những vần thơ như thế này khi thầy và cô xa nhau những năm đánh Mỹ:

“Anh và em, ta yêu nhau mà chẳng được sống gần nhau

Giữa hai chúng mình hố bom dày chi chít

Trên con đường ta đi, cây trồng những năm xưa nay đều chết hết

Những nhịp cầu đau như những vết thương sâu”

Thầy Văn Như Cương tình cảm bên người vợ của mình. 

Không lãng mạn thì ở tuổi 80, nhân ngày ngày 14/2 – ngày mà rất nhiều cặp vợ chồng còn chưa kỉ niệm “đám cưới đồng” với nhau thấy nó vớ vẩn vô nghĩa lý, thầy đã chẳng đăng bức ảnh hai vợ chồng già ôm nhau lên mạng kèm cái caption dí dỏm: “Valentine xế muộn”. Và không lãng mạn thì thầy đã chẳng gọi cô bằng “Em”.

Thầy ấm áp. Thầy có thể cúi xuống để chỉnh lại vạt áo dài cho vợ mình trước khi cả hai cùng tới trường trong khi những người đàn ông trẻ khác có thể đang đứng cuồng chân ngoài cửa sốt ruột giục vợ đang trang điểm gì mà lâu thế. Thầy luôn nắm tay vợ mình mỗi khi hai người đi ngoài đường trong khi những người đàn ông trẻ khác có thể đang dùng cả hai tay lẫn đôi mắt vào chiếc smartphone. Trong mọi bức ảnh gia đình, thầy không bao giờ để cho người con nào hay đứa cháu nào được tách thầy cô ra mà luôn dành một chỗ bên cạnh cô với cái quàng tay gần gũi. Tại đám cưới của cháu ngoại Văn Quỳnh với ca nương Kiều Anh, quan khách không thể rời mắt khỏi bàn tay nắm chặt của thầy Cương và vợ mình, như thể họ sợ lạc mất nhau giữa ngày vui náo nhiệt.

Nhưng như thế vẫn chưa đủ khiến đám trẻ giật mình.

Còn nhớ, gần một năm trước, các bà vợ rộ lên trào lưu nhắn tin cho chồng với cú pháp “Em yêu anh” để thăm dò phản ứng của chồng làm cộng đồng mạng như phát sốt. Thầy Cương, một “ông già thời sự”, cũng đăng đàn. Thầy bảo nếu vợ thầy có nhắn như thế thì thầy chẳng có gì sửng sốt như các ông chồng kia. Thầy sẽ nhắn lại là: “Anh yêu em”. Bởi cô và thầy thường xuyên nói với nhau những lời như thế. “Em yêu anh” và “Anh yêu em”.

Chao ôi, ba âm tiết giản dị và tinh khiết ấy tự lúc nào bỗng trở thành những lời sáo rỗng, sến sẩm và mang màu sắc “thần kinh” giữa những cặp vợ chồng thời hiện đại. Đã bao lâu rồi, những cặp vợ chồng tóc còn xanh mướt lại không thể bật ra lời yêu giản dị và ngắn gọn kia. Cái gì đã khiến lời của trai gái, lời của thanh xuân trở nên ngượng ngịu và xấu hổ như làm điều gì đó trái với lương tâm của chính mình thế này?

Thầy Văn Như Cương và vợ lúc nào cũng bên nhau không rời. 

“Em yêu anh” và “Anh yêu em”, những lời ấy với người trẻ như ta bị xem là hàng đồng giá khuyến mãi bán lỗ vốn lúc đang yêu đương nồng nhiệt nhưng là thứ hàng hóa xa xỉ phẩm lúc đã cưới nhau được vài năm. Chúng ta bảo: Hành động còn hơn vạn lời nói. Chúng ta bảo: Nội dung quan trọng hơn hình thức. Chúng ta bảo: Sống với nhau, tin tưởng nhau, đối tốt với nhau là đủ, cần gì nói những ngôn từ sáo rỗng. Chúng ta chỉ giật mình khi một cặp vợ chồng bước sang tuổi tiên tuổi trời vẫn nói lời yêu. Hóa ra, tình yêu, khi đầy thì sẽ tràn, khi yên lắng đủ sẽ tan thành lời. Người ta nếu cứ câm lặng mãi bên nhau thì tình yêu cũng sẽ như hạt mầm ngủ vùi trong lòng đất, vĩnh viễn chẳng thể nhú mầm trồi lên để chứng minh sự tồn tại với thế gian.

Thầy Văn Như Cương nếu khỏe mạnh trở lại chắc chắn sẽ giải thích giùm cho nỗi bất hạnh không tên của chúng ta. Nỗi bất hạnh của những người trẻ mang chứa thứ tình yêu lão hóa sớm trong cơ thể thanh xuân phơi phới, thứ hạt mầm tình yêu biến đổi gen không thể nảy mầm và sinh sôi dù cho mọi điều kiện đều ở trạng thái hoàn hảo.


Trên mạng có lưu truyền câu nói được cho là của một bậc thầy phong thủy người Hoa về tình yêu, rằng: “Có thể tin rằng trên thế giới quả thực có tình yêu bất diệt, nhưng nó chỉ thuộc về Ngưu lang – Chức Nữ, Lương Sơn Bá – Chúc Anh Đài, bên Âu Mỹ còn có Romeo và Juliet, bởi họ đều có cuộc sống ngắn ngủi. Còn chúng ta thì phải sống thật lâu.”

Thầy Cương và mối tình đầu kéo dài 56 năm của mình liệu đã sống đủ lâu để hiểu về sự tồn tại đầy nghi vấn của cái được gọi là tình yêu bất diệt hay không? Có lẽ, một lần thôi, nên đến gặp và xin thầy chỉ giáo.

LEAVE A REPLY