Nhắc đến lịch sử giáo dục Việt Nam không thể không nhắc đến thầy Văn Như Cương – người đặt những viên gạch đầu tiên cho giáo dục ngoài công lập.
Thầy Văn Như Cương là người thầy lớn, người anh cả, người ông, người cha, người bạn của nhiều thế hệ giáo viên và học sinh. Trọn vẹn cuộc đời thầy cống hiến cho sự nghiệp giáo dục, ươm mầm những thế hệ tương lai của đất nước vừa hồng vừa chuyên, vừa có kiến thức tốt vừa có nhân cách tốt. Thầy đã để lại cho thế hệ sau nhiều di sản trong chuyên môn, tư tưởng, phương pháp giáo dục. Trong ký ức của hàng chục thế hệ học sinh, hình ảnh thầy Văn Như Cương hiện lên như một ông tiên giữa đời thực, cương nghị, thẳng thắn, nghiêm khắc nhưng đầy bao dung, nhân hậu và đầy lòng vị tha.
Năm 1989, thầy Văn Như Cương là người đặt những viên gạch đầu tiên cho giáo dục ngoài công lập Việt Nam, là người tiên phong mở đường xây dựng hệ thống giáo dục tư thục – nơi đề cao giáo dục dân chủ với tinh thần độc lập và tư duy phản biện, nơi đề cao nhân cách con người hơn kiến thức sách vở, nơi mà học sinh được học làm người tử tế trước khi học để thành công trên đường đời.
Nằm trong chuỗi sự kiện kỉ niệm 30 năm ngày thành lập trường Lương Thế Vinh, để tưởng nhớ thầy giáo Văn Như Cương – người thầy vĩ đại của rất nhiều thế hệ học sinh, Hội thảo “Thầy Văn Như Cương – Người mở đường” được tổ chức vào ngày 1/10/2019 tại Trung tâm Hội nghị quốc tế, 35 Hùng Vương, Ba Đình, Hà Nội.
Hội thảo sẽ có sự tham gia của nhiều nhà báo, nhà nghiên cứu, quản lý giáo dục và đặc biệt là nhiều thế hệ thầy trò trường Lương Thế Vinh – những người đã có cơ hội được học tập, làm việc cùng thầy giáo Văn Như Cương.
Hội thảo được đánh giá không chỉ là một chương trình với các bài phát biểu, tham luận của những người tham gia mà còn là một không gian để tưởng nhớ và tri ân người thầy vĩ đại, là nơi để ôn lại những ký ức đẹp, là nơi để lan tỏa, tiếp nối và phát huy tinh thần, tư tưởng và triết lý giáo dục của thầy giáo Văn Như Cương.