Nghẹn ngào triển lãm Dấu Ấn tri ân cố nhà giáo Văn Như Cương nhân ngày 20/11

0
3769

Sáng ngày 18/11 tại 2 cơ sở trường THCS và THPT Lương Thế Vinh đã diễn ra khai mạc triển lãm “Dấu ấn” về cuộc đời Nhà giáo Văn Như Cương lúc còn sinh thời. Triển lãm là nơi trưng bày những hiện vật, bức ảnh, bài thơ, bút tích của người thầy đáng kính của biết bao thế hệ học trò trường Lương Thế Vinh.


Những dấu ấn về thầy Văn Như Cương – người sáng lập trường Lương Thế Vinh – được thầy cô giáo và học sinh tập hợp thành triển lãm để tri ân người thầy đáng kính. Triển lãm gồm tập hợp ảnh, bài viết về thầy và cả những quyển sách do thầy chủ biên. 

Bắt đầu lễ khai mạc triển lãm, giáo viên nhiều thế hệ cùng học trò dành một phút mặc niệm thầy Văn Như Cương.


Các giáo viên cũ và đang dạy tại trường kể lại những câu chuyện về thầy Cương. Trước khi qua đời, thầy Cương đã hơn 3 năm chống chọi với bệnh ung thư gan. Vượt qua những cơn đau, thầy cố gắng tham gia tất cả hoạt động của trường Lương Thế Vinh khi có thể, như: đánh trống, phát biểu tại lễ khai giảng, tiễn học sinh lớp 12 ra trường…

Cô Nguyễn Bích Thủy dạy tại trường Lương Thế Vinh hơn 10 năm xúc động khi kể lại kỷ niệm với học sinh về thầy Văn Như Cương.

Sinh năm 1937, quê Nghệ An, thầy Văn Như Cương từng là giảng viên Đại học Sư phạm Hà Nội, Đại học Sư phạm Vinh. Thầy đã bảo vệ tiến sĩ toán học tại Liên Xô cũ, được phong hàm phó giáo sư. PGS Cương thành lập trường THPT Lương Thế Vinh năm 1989, là trường dân lập đầu tiên tại Việt Nam kể từ năm 1975.

Sau 25 năm làm hiệu trưởng, thầy đảm nhiệm cương vị Chủ tịch Hội đồng quản trị trường. Không chỉ giỏi Toán, thầy Cương còn được biết đến với tài văn chương, nói chuyện dí dỏm và có khả năng “truyền lửa” cho học trò.

Học sinh vẫn nhớ bài phát biểu trong mùa khai giảng cuối cùng trước khi vĩnh viễn trở về đất mẹ, thầy Văn Như Cương đã căn dặn học trò: “Mỗi người đều có thời gian sống rất hữu hạn. Nếu họ mắc phải bệnh lười biếng thì khoảng thời gian sống đó càng trở nên ngắn ngủi”.

Thầy giới thiệu phương pháp Kaizen để chữa bệnh lười. Mỗi ngày học sinh chỉ cần bỏ ra một phút để chống tay hít đất mười cái, hoặc học một từ tiếng Anh cùng với một số câu có chứa từ đó, hoặc làm một vài bài toán đơn giản.

Ở trường, thầy Cương nổi tiếng hiền, chưa một lần nặng lời với học sinh, luôn giúp đỡ trò khi gặp khó khăn trong học tập cũng như cuộc sống. Nhiều thế hệ học sinh xem thầy như người ông gần gũi.


Những bài viết về thầy cũng được sưu tầm và trưng bày tại triển lãm.

2.800 con hạc giấy do học sinh làm để tri ân thầy Văn Như Cương nhân ngày nhà giáo Việt Nam.

Cách đây 8 tháng, khi thầy ốm nặng phải nằm viện, 3.000 học sinh toàn trường hát ca khúc Bài ca Lương Thế Vinh, hơn 19.000 con hạc giấy được gấp và treo ở sảnh trường Lương Thế Vinh cơ sở Nam Trung Yên với niềm tin món quà tinh thần này sẽ giúp thầy mau khỏi bệnh.


Những cuốn sách Toán do chính thầy biên soạn cũng được trưng bày để học sinh tham quan và hiểu hơn về thầy. Thầy Văn Như Cương là chủ biên của hơn 60 đầu sách giáo khoa, sách tham khảo liên quan đến toán.

Tự tay học sinh dán những bức ảnh của mình, những bức ảnh của thầy Văn Như Cương lên bảng để giữ lại khoảnh khắc này mãi mãi.

Những lời dặn dò, câu nói hay những phát ngôn mang tính uyên bác của người thầy đáng kính cũng được thể hiện tại triển lãm.



Tại không gian triển lãm cũng được bài trí khu vực để khách đến tham dự ghi cảm nhận.


Mỗi góc, mỗi câu chuyện, mỗi bức ảnh trong khuôn viên triển lãm đều là một câu chuyện về người thầy quá cố đáng kính.

LEAVE A REPLY