Đây là nội dung được trao đổi tại Hội nghị triển khai tuyển sinh đầu cấp ở Hà Nội diễn ra ngày 25-3.
Thi 4 bài độc lập
Quy định được áp dụng với học sinh dự tuyển vào các trường THPT khối không chuyên ở Hà Nội.
Nếu mùa thi trước chỉ thi 2 môn Ngữ văn, Toán thì năm nay thí sinh sẽ thi Ngữ văn, Toán (hệ số 2) theo hình thức tự luận và Ngoại ngữ, Lịch sử (hệ số 1, trong đó Lịch sử thi trắc nghiệm, Ngoại ngữ có 2 phần là tự luận và trắc nghiệm khách quan tách rời nhau. Phần thi trắc nghiệm khách quan được trình bày trên phiếu trả lời trắc nghiệm và được chấm bằng phần mềm máy tính.
Điểm 4 bài thi cộng với điểm ưu tiên nếu có là điểm sử dụng để xét tuyển.
Thí sinh chỉ có nguyện vọng dự tuyển vào khối chuyên sẽ chỉ thi Toán, Văn, Ngoại ngữ theo đề đại trà (hệ số 1) và môn chuyên (hệ số 2). Trước đó, thí sinh dự tuyển vào khối chuyên phải trải qua vòng sơ tuyển. Học sinh dự tuyển vào chương trình song bằng tú tài phải thi thêm vòng phỏng vấn trực tiếp.
Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 khối không chuyên sẽ diễn ra vào các ngày 2 và 3-6. Học sinh dự tuyển vào khối chuyên thi Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ (hệ số 1) cùng thời điểm với khối không chuyên và thi các môn chuyên vào các ngày từ 3-6 đến 5- 6. Học sinh dự tuyển chương trình tú tài song bằng dự tuyển thêm vòng phỏng vấn vào ngày 18-6.
Học sinh có tối đa 7 nguyện vọng
Học sinh Hà Nội dự kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 được quyền đăng ký tối đa 7 nguyện vọng (NV) trúng tuyển vào các trường chuyên, không chuyên khối công lập (chưa kể NV vào các trường ngoài công lập, công lập tự chủ, cơ sở giáo dục nghề nghiệp).
Trong đó, riêng trường THPT công lập khối không chuyên, học sinh được đăng ký 2 NV trong cùng một khu vực tuyển sinh. Hai NV này xếp theo thứ tự. Học sinh đã trúng tuyển NV1 thì không được xét NV2. Trường hợp muốn nhập học NV2, học sinh phải có điểm xét tuyển cao hơn điểm chuẩn NV1 của trường ít nhất 1,5 điểm.
Trong 7 NV được sử dụng để xét tuyển, ngoài NV vào trường công lập khối không chuyên (chỉ chọn NV đủ điều kiện trong 2 NV đăng kí trước), học sinh có các NV vào chương trình song bằng, tiếng Pháp song ngữ và NV vào các trường chuyên
Có 12 khu vực tuyển sinh
Sở GD-ĐT Hà Nội chia 12 khu vực tuyển sinh, mỗi khu vực có 2-3 đơn vị quận, huyện thuộc địa bàn giáp ranh. Học sinh được đăng ký 2 NV vào cùng một khu vực tuyển sinh. Hộ khẩu thường trú ở đâu thì đăng ký tại khu vực đó. Trong mỗi khu vực tuyển sinh đều được tính toán để có đủ đại diện các tốp trường với mức điểm chuẩn chênh lệch, có nhiều mô hình trường như các trường công lập, ngoài công lập, công lập tự chủ…
Riêng các trường công lập tự chủ, trường ngoài công lập, học sinh có hộ khẩu thường trú hoặc tạm trú tại Hà Nội được đăng ký tuyển sinh. Trường THPT Chu Văn An tuyển học sinh khu vực phía Bắc từ Thanh Hóa trở ra, với điều kiện có hạnh kiểm tốt, học lực giỏi năm lớp 9, có giải trong kì thi chọn HS giỏi cấp tỉnh, thành phố.
Đối với học sinh dự tuyển vào trường THPT công lập theo 12 khu vực tuyển sinh vẫn có thể được đổi khu vực tuyển sinh nếu ở vùng giáp ranh giữa hai khu vực hoặc nơi ở thực tế khác nơi đăng ký hộ khẩu thường trú. Trường hợp này học sinh phải có đơn xin đổi khu vực tuyển sinh gửi cho phòng GD-ĐT, nơi có trường THCS học sinh đang học.
Xác định nhập học bằng cả trực tuyến và trực tiếp
Sau nhiều năm triển khai thành công tuyển sinh trực tuyến cấp mầm non, lớp 1, lớp 6, năm học 2019-2020, Sở GD-ĐT Hà Nội lần đầu tiên sẽ thực hiện việc xác định nhập học bằng cả hình thức trực tuyến và trực tiếp.
Tất cả các trường đều thực hiện việc xác nhận nhập học trong cùng một khung giờ. Cụ thể, đợt 1 trong 3 ngày từ 20-6 đến 22-6. Đợt 2 là 15 ngày, từ 1-7 đến 15-7. Đợt 2, học sinh chỉ xác nhận trực tiếp, đồng thời nộp hồ sơ tuyển sinh. Còn đợt 1, với cả hình thức trực tuyến và trực tiếp đều chưa phải nộp hồ sơ tuyển sinh.
Sau khi công bố kết quả thi, nếu học sinh đỗ cả 7 NV, muốn học NV nào thì phải xác nhận nhập học từ 20-6 đến 22-6 (bằng trực tuyến hoặc trực tiếp).
Trong thời gian tuyển sinh đợt 1, học sinh được quyền thay đổi NV trúng tuyển. Đối với trường hợp xác nhận trực tuyến, đến 24h ngày 22-6, nếu học sinh không thay đổi NV thì tài khoản của học sinh sẽ tự khóa. Trường hợp đăng ký trực tiếp, nếu học sinh muốn thay đổi NV phải trực tiếp đến trường hủy nhập học trước khi xác nhận nhập học NV mới.
Công bố phổ điểm, trả hồ sơ học sinh khi thay đổi NV
Đây là hai điểm bất cập của mùa tuyển sinh trước tại Hà Nội dẫn tới xáo trộn mạnh, phụ huynh gặp phiền hà, kéo dài thời gian tuyển sinh.
Để khắc phục, năm nay Sở GD-ĐT Hà Nội quy định học sinh đã nộp hồ sơ nhập học, khi có nhu cầu được quyền rút hồ sơ. Nhà trường phải tạo điều kiện để học sinh rút hồ sơ và xóa tên khỏi danh sách trúng tuyển đồng thời thực hiện thao tác hủy nhập học trên hệ thống phần mềm. Trường hợp học sinh có NV chuyển trường sang tỉnh, thành phố khác để học tập, nhà trường làm thủ tục chuyển trường, không xóa tên trong danh sách trúng tuyển.
Lãnh đạo Sở GD-ĐT Hà Nội cũng khẳng định sau khi có kết quả thi sẽ cung cấp cho các trường phổ điểm thi, dự kiến điểm chuẩn và tiến hành xét duyệt điểm chuẩn. Các trường sẽ công bố điểm chuẩn và kết quả thi của thí sinh cùng một thời điểm và trước 1 ngày của đợt tuyển sinh thứ nhất. Cách làm này, tạo điều kiện thuận lợi cho phụ huynh trong việc xác định NV phù hợp để nhập học.
Trường ngoài công lập được phép tuyển sinh sớm
Để tạo điều kiện cho các trường ngoài công lập tuyển sinh, Sở GD-ĐT Hà Nội cho phép các trường tuyển sinh bằng cả phương thức xét kết quả thi và xét học bạ. Thời gian xét tuyển ngay sau khi kết thúc năm học 2018-2019 cho đến khi đóng cổng tuyển sinh của thành phố.
Tuy nhiên, ngoài kỳ thi chung của toàn thành phố, Sở GD-ĐT Hà Nội không cho phép các trường ngoài công lập tự tổ chức kỳ thi riêng hoặc quy định các điều kiện riêng khác với quy định chung của thành phố để tuyển sinh.
Năm học 2018-2019, Hà Nội có 101.460 học sinh tốt nghiệp THCS, giảm 4.000 học sinh so với năm trước. Tuy nhiên để đảm bảo mục tiêu phân luồng và cũng căn cứ vào điều kiện đảm bảo chất lượng của các cơ sở giáo dục nên Hà Nội dự kiến 60-62% số học sinh tốt nghiệp THCS vào lớp 10 công lập, tương đương với gần 63.000 học sinh. Sẽ có khoảng trên 38.500 học sinh bị loại khỏi trường công.
Trong tổng số học sinh tốt nghiệp THCS, khoảng 20% vào học trường THPT ngoài công lập, 10% học tại các trung tâm giáo dục nghề nghiệp, giáo dục thường xuyên. Số còn lại tham gia học nghề ngắn hạn để gia nhập thị trường lao động.