Lương Thế Vinh: thương hiệu niềm tin

0
9505

Ở Hà Nội, có một trường Dân lập mà cứ đến mùa tuyển sinh, hàng ngàn phụ huynh từ nhiều nơi đổ về xếp hàng từ nửa đêm để được đăng ký cho con mình có cơ hội được vào học, dù chấp nhận học xa và phải chi khoản học phí gấp vài lần trường công lập. Đó là trường THPT Dân lập Lương Thế Vinh, Hà Nội, với vị hiệu trưởng mà mọi người đều biết tiếng – Thày Văn Như Cương …

Học thật, dạy thật

Nói đến trường THPT Dân lập Lương Thế Vinh, các bậc phụ huynh, học sinh trong cả nước không chỉ biết đó là một trường Trung học dân lập đào tạo có chất lượng cao, nổi tiếng dạy nghiêm – học nghiêm, mà còn bày tỏ lòng ngưỡng mộ đối với thày hiệu trưởng Văn Như Cương với hơn 50 năm đóng góp cho sự nghiệp trồng người, một tấm gương mẫu mực về đạo đức người thày. Một trong những khó khăn nhất của các trường dân lập là xây dựng được đội ngũ giáo viên giỏi, ổn định, thế nhưng với thày Văn Như Cương lại khác, là chỉ mời … miệng, vậy mà đến nay trường lại có đội ngũ giáo viên có uy tín, gắn bó với trường kể từ khi thành lập. Chưa kịp nêu băn khoăn thì thầy Cương đã trả lời .. “ Điều quan trọng nhất của giáo viên là làm việc ở môi trường mà mình có thể phát huy hết khả năng và đánh giá đúng. Ở trường tôi, thầy cô nào để học trò và phụ huynh phản ánh là dạy không hiểu, không tận tình, không khơi được sự say mê của học sinh để chúng có thể phát huy hết trí lực, nếu xét thực tế là đúng, thì tôi sẽ dùng giấy bút để viết một bức thư với đại ý là: “Cảm ơn thầy/ cô đã đóng góp cho trường nhưng trong thời gian tới trường chưa sắp xếp được lớp. Mong thầy / cô thông cảm! …”

Chính cung cách quản lý, cách dạy và học của thầy như vậy nên trong nhiều năm qua trường có tỷ lệ tốt nghiệp 100%. Năm học 2005 – 2006 là năm học “ Nói không với tiêu cực và bệnh thành tích” nhiều trường đã tụt hạng, nhưng trường Lương Thế Vinh vẫn tiếp tục đạt tỉ lệ đỗ tốt nghiệp 100%, cao nhất thành phố Hà Nội. Năm học vừa qua, trường tiếp tục giữ vị trí đầu bảng, là một trong 2 trường có tỷ lệ đỗ tốt nghiệp cao nhất thành phố. Hơn thế, trường còn đạt tỉ lệ 50% học sinh khá và giỏi (tỉ lệ trung bình của thành phố Hà Nội là 14%). Năm 2008, có khoảng 98% học sinh của trường thi đại học đạt trên điểm sàn và khoảng 90% các em đỗ vào đại học. Khi hỏi bí quyết của trường Lương Thế Vinh, thày Văn Như Cương trả lời thật đơn giản: đó là học thật – dạy thật!

“ Không sạch thì không có nền giáo dục tốt …”

Mùa tuyển sinh năm nào điểm chuẩn của trường dân lập Lương Thế Vinh cũng nằm ở các trường “Top” của Hà Nội. Vậy mà số học sinh dự thi, dự tuyển cứ “ leo thang”, năm sau cao hơn năm trước … Nhiều năm nay, cứ đến dịp tuyển sinh, phụ huynh và học sinh phải xếp hàng dài từ nửa đêm để đăng ký trước cổng trường Lương Thế Vinh. Thậm chí có những phụ huynh ở tỉnh ngoài phải thuê nhà trọ từ hôm trước, để sáng sớm hôm sau ra xếp hàng sớm. Nhiều bậc phụ huynh có con học giỏi từ khắp nơi trên cả nước từ chối vào công lập để nuôi hi vọng thi vào dân lập Lương Thế Vinh, chấp nhận mức học phí cao gấp 2 – 3 lần so với công lập. Thầy Văn Như Cương cho biết, thời gian tuyển sinh ông thường phải tắt điện thoại “trốn” đi các tỉnh để viết sách, thậm chí có lần ông quyết đi du lịch nước ngoài nhưng cũng chẳng thoát … Thậm chí, không ít lãnh đạo bộ ngành cũng viết thư tay, gọi điện thoại đặt vấn đề nhưng thây đều từ chối với lý do “Quy định tuyển sinh do tôi đặt ra và thực hiện công khai. Bây giờ tôi nhận con anh thì họ sẽ không phục”. Với bạn bè thân của thầy, ai cũng hiểu tính thầy, nên không xin điểm. Thế nhưng cũng có nhiều lần thầy Cương buồn bực khi “vướng” vào chuyện quà biếu, phong bì đô la. Thầy phải gọi điện yêu cầu đến nhận lại tiền, nếu phụ huynh nào “cứng đầu” thì thầy cảnh cáo luôn:”Nếu không lấy tiền về, con ông bà có thi đậu tôi cũng gạch tên”. Thầy quan niệm “học sinh cần môi trường “giáo dục sạch” không bị đầu độc bởi đồng tiền. Nếu không sạch thì không có một nền giáo dục tốt và học trò giỏi được …”

Khi được hỏi, với những đóng góp đáng kể như vậy, tại sao Trường Lương Thế Vinh chưa có được bằng khen hay huân chương ghi nhận, thầy Cương cười rất tươi: “Sự đánh giá của xã hội và sự ghi nhận của học sinh, phụ huynh mới chính là hạnh phúc lớn nhất của những người thầy”. Nói rồi thầy Cương liền mang quyển lưu bút của học sinh viết về thầy cô giáo nhân ngày 20/11 ra cho tôi xem. Xin trích một trong rất nhiều lưu bút cảm động mà tôi đã được đọc”

“ Trước tiên em xin được gửi lời chào đến cô. Có thể cô không nhớ rõ về em, nhưng em thì không thể quên được cô và những bài học của cô. Nhắc đến cô Thân là chúng em nghĩ ngay đến giáo viên cò nhiều giờ “cháy giáo án” nhất, chỉ để chúng em có thể khám phá, tìm hiểu và tiếp thu những tác phẩm văn học, chứ không phải ghi ghi, chép chép những gạch đầu dòng khô khan. Cô ạ, cô không chỉ là một giáo viên dạy văn, mà còn là một người mẹ, một người bạn “luôn luôn lắng nghe, luôn luôn thấu hiểu” chúng em. Và quan trọng nhất là chúng em đã học được ở cô cách làm người, cách làm tốt hơn, biết yêu thương và quan tâm đến người khác và biết cách đứng dậy khi vấp ngã, biết lạc quan trong cả những lúc khó khăn nhất. Đó chính là ý nghĩa của văn học phải không cô?”.

Mặc dù giữ cương vị hiệu trưởng nhưng hàng ngày thầy Cương vẫn đứng trên bục giảng, trực tiếp giảng dạy, quan sát học sinh để xem những kiến thức do mình viết ra phải điều chỉnh thế nào cho phù hợp (thầy Văn Như Cương là thành viên trong nhóm biên soạn SGK môn Toán từ lớp 10 đến lớp 12).

Không chỉ chú trọng đến nâng cao chất lượng giảng dạy của giáo viên, thầy Cương còn cho rằng, vấn đề đạo đức nhà giáo là vô cùng quan trọng trong thời buổi hội nhập hiện nay. Không mê danh hiệu nhà giáo nhân dân, không mê bằng khen, huy chương, danh hiệu trường tiên tiến, xuất sắc, với thầy Văn Như Cương, điều hạnh phúc nhất là được nghe học trò gọi hai tiếng “Thầy ơi!” .

Tác giả Nguyễn Thu số 94 Báo tiếng nói Việt Nam viết ngày 20/11/2008

LEAVE A REPLY