Thầy Văn Như Cương qua lời kể xúc động của con gái: “Bố đã sống một đời vẻ vang”

0
5996

“Sau những cú sốc, đến giờ phút này, gia đình tôi đã phần nào bình tĩnh. Chúng tôi đều có chung cảm nhận rằng bố đã sống một cuộc đời vẻ vang. Đến khi ông nằm trên giường bệnh, vẫn có gần 4.000 học sinh hát đồng ca cổ vũ thầy…”.

Là một nhà giáo mẫu mực, tâm huyết với nghề, thầy Văn Như Cương được nhiều thế hệ học sinh, giáo viên và học trò mến mộ, kính trọng. Vì thế, những ngày qua, thông tin thầy bị ốm nhận được sự quan tâm của rất nhiều người. Khác với những lần trước, sức khỏe của thầy Cương lần này có vẻ yếu đi khá nhiều. Thầy nhập viện điều trị đã hơn 10 ngày nay và có lúc đã không ăn được gì. Những ngày qua, gia đình, người thân luôn săn sóc bên thầy. Vì muốn thầy yên tâm dưỡng bệnh, các bác sĩ phải hạn chế người vào thăm.

Tuy không trực tiếp được gặp thầy nhưng chúng tôi lại nhận được những chia sẻ xúc động của cô Văn Thùy Dương – Hiệu phó trường THPT Lương Thế Vinh, con gái GS Như Cương. Và chúng tôi xin được chia sẻ nguyên văn toàn bộ tâm tư mà cô Dương đã gửi gắm qua bài viết dưới đây.

Gần 3 năm qua, bố tôi luôn sống như một người chiến binh dũng cảm

Lần ngã bệnh trở lại này, bố tôi nhập viện hôm 21/2. Tôi nhẩm tính đến bây giờ đã hơn 10 ngày. Thực ra, căn bệnh của bố bắt đầu đã gần 3 năm nay. Tôi vẫn nhớ khi biết tin đó là hôm 1/7/2014. Lúc đầu, gia đình tôi rất sốc nhưng rồi ai nấy đều nhanh chóng vực dậy tinh thần rồi lao vào công cuộc tìm ra một phương cách nào đó để giúp bố trị bệnh. Chúng tôi đã làm rất nhiều việc, chạy chữa theo Tây, Đông y hay ngay cả làm những việc tâm linh, cốt chỉ để cho tinh thần lạc quan hơn.


Trường Lương Thế Vinh – tâm huyết cả đời của GS Văn Như Cương.

Ảnh chụp…

…Và bức tượng gương mặt thầy Cương trong phòng làm việc của cô Thùy Dương.

2,5 năm qua, bệnh tình của bố tôi ai cũng hiểu. Chắc bạn cũng biết, ung thư không thể chữa khỏi. Điều quan trọng là bệnh nhân cầm cự được bao lâu và sống chung với nó như thế nào. Suốt chặng đường đã qua, ban đầu bố tôi cũng sốc nhưng rồi dần dần, ông đối mặt với ung thư bằng một tâm thế thanh thản. Bây giờ mỗi khi vào viện thăm, tôi thường đọc kinh vô thường cho bố nghe. Tôi nghĩ rằng ai đó trong cuộc đời này hiểu được triết lý sinh lão bệnh tử giống như ông, họ đều sẽ sống một cách rất an nhiên.

Với người bệnh K, họ có thể sống rất lâu nếu như giữ được tinh thần tốt. Nhưng cũng có những người sức khỏe yếu thì cùng với lòng tin, nhiều nhất có khi chỉ sống thêm được vài năm. Điều quan trọng mà tôi, gia đình và thầy Cương muốn khẳng định đó là bệnh nhân K sẽ chiến thắng ung thư nếu họ giữ được tinh thần lạc quan và tôi nghĩ, bố tôi đã làm được điều đó.


Cô Dương chia sẻ, điều quan trọng nhất mà thầy Cương muốn khẳng định là khi có tinh thần tốt, bệnh nhân K sẽ chiến thắng căn bệnh ung thư quái ác.

Sau những cú sốc, đến giờ phút này, gia đình tôi đã phần nào bình tĩnh. Chúng tôi đều có chung cảm nhận rằng bố đã sống một cuộc đời vẻ vang. Đến khi ông nằm trên giường bệnh, vẫn có gần 4.000 học sinh hát đồng ca cổ vũ thầy. Việc làm đó hoàn toàn xuất phát từ trái tim các em vì không hề có sự bàn bạc nào nhưng ở cả 2 cơ sở tại Hà Nội, các em cùng lúc thực hiện hành động này. Tôi nghĩ đó là bài thuốc tinh thần mà không phải ai cũng có được.

Tôi nghĩ bố mình đã sống một cuộc đời không còn gì đáng chê trách

Với tư cách một người con, tôi cảm nhận bố là người cha vô cùng tuyệt vời. Tôi nghĩ chắc phải có phúc phận lắm, mình mới được sống trong một gia đình như thế. Mẹ tôi luôn yêu thương, chăm sóc bố còn bố thì cả đời chưa bao giờ gọi anh xưng em với bất cứ người phụ nữ nào ngoài mẹ và em gái. Trong mắt tôi, bố là người đàn ông rất mẫu mực và hết lòng yêu thương vợ, con.


Cô Thùy Dương và thầy Văn Như Cương.

Tôi nhớ nhiều kỉ niệm về bố mà bây giờ có kể ra cũng không bao giờ hết. Sinh nhật 16 tuổi, bố đưa tôi đi xem phim. Năm 18 tuổi, ông lại dẫn tôi đi mua những thứ rất nhỏ nhặt, thể hiện sự quan tâm chân thành.

Ở cương vị đồng nghiệp, tôi chưa bao giờ thấy thầy Cương nổi nóng với bất cứ ai. Tất cả những gì ông muốn truyền đạt cho người khác, ông đều nói bằng lòng nhân từ tự đáy lòng. Người ta thường nói, có rất nhiều con đường để đi đến thành công nhưng thầy Cương bao giờ cũng dùng con đường nhẹ nhàng, chân thành nhất có thể.

Tinh thần của thầy Cương sẽ còn sống mãi với thời gian

Nhiều người nghĩ rằng khi thầy Cương mất đi, trường Lương Thế Vinh cũng sẽ tiêu tan. Thậm chí cách đây 5-7 năm, đã có lời đồn rằng thầy Cương nghỉ rồi nên chất lượng dạy và học sẽ không được như xưa. Tuy nhiên, thực tế nhiều năm nay, bố đã dần lui về phía sau, giao lại công việc quan trọng cho các cô hiệu phó nhưng năm nào, tỉ lệ đỗ ĐH của học sinh vẫn rất cao. Các em đều chăm ngoan và đạt thành tích tốt.


Ngôi trường Lương Thế Vinh sẽ luôn mang theo tinh thần của thầy Cương đi mãi.

Từng lớp học…

Và thương hiệu này là do thầy Cương gây dựng.

Nhưng cô Thùy Dương và cha mình luôn tin rằng, việc giữ gìn nó sẽ phụ thuộc nhiều vào học sinh và giáo viên trong trường.

Nghĩ đến chặng đường tương lai phía trước, tôi thấy gánh nặng mình mang trên vai không chỉ là chuyện bố ốm đau vì tất cả những đứa con khi có cha mẹ bị bệnh, đều sẽ phải trải qua những chuyện như thế. Gánh nặng mà tôi đang mang vác là làm sao cho phụ huynh, học sinh hiểu rằng trường Lương Thế Vinh sẽ mang tinh thần của thầy đi mãi. Đó là nghị lực sống, tinh thần “có chí thì nên”, “có công mài sắt, có ngày nên kim”.

Tôi thường nói với phụ huynh rằng con cái chúng ta sẽ là cuộc đời kéo dài của chính chúng ta. Và cũng như thế, chúng tôi sẽ là cuộc đời kéo dài của thầy Cương. Ngôi trường Lương Thế Vinh này tốt bao nhiêu thì bố tôi sẽ cảm thấy an lòng, thanh thản bấy nhiêu. Không ai có thể sống mãi với thời gian nhưng họ sẽ chỉ thật sự mất đi khi tất cả những hình ảnh, kí ức, tinh thần và sức ảnh hưởng của họ tiêu tán.


Không chỉ chăm ngoan, học giỏi…

Học sinh Lương Thế Vinh còn là những bạn trẻ biết quan tâm, sẻ chia với người khác lúc khó khăn.

Các bạn đã cùng nhau làm clip hát đồng ca và gấp 19.000 chú hạc giấy để gửi tặng thầy Cương.

Thực tế cũng đã chứng minh, tấm lòng yêu thương học sinh chân thành và nhân cách sống cao đẹp của thầy Cương mang lại hiệu ứng tích cực như thế nào. Đó là sự kiện gần 4.000 học sinh hát đồng ca và các em còn gấp hàng chục nghìn hạc giấy tặng thầy. Không chỉ ở Hà Nội, phong trào ấy còn lan rộng đến tận Thanh Hóa. Mỗi ngày, tôi đều nhận được rất nhiều tin nhắn động viên thầy xúc động đến rơi nước mắt. Nhiều tin nhắn là của học sinh Lương Thế Vinh nhưng còn rất nhiều tin khác đến từ phụ huynh và các em không học trong trường, thậm chí có lẽ chỉ biết đến thầy qua báo, đài mà thôi.

Tôi nghĩ đó là một tình yêu lớn lao. Nó mở ra cho tôi hy vọng vào một tương lai tươi sáng, rằng cuộc sống này còn quá nhiều thứ đáng yêu chứ không phải lúc nào mình cũng chỉ chăm chăm nhìn vào mặt tiêu cực.

Hơn cả tình yêu dành cho thầy, những gì học sinh Lương Thế Vinh làm đang khởi xướng nên làn sóng lan tỏa yêu thương. Tôi nghĩ phải được giáo dục, rèn luyện như thế nào đấy thì các em mới biết cách thể hiện tình yêu chân thành như thế. Những người biết gấp hạc, hát vì thầy, chắc chắn đang sở hữu một trái tim nhân hậu và trước khi biết yêu thầy, cô, hẳn các em đã phải rất yêu cha, mẹ, người thân bên cạnh mình.

Bố tôi từng nói ông là người sáng lập nên thương hiệu trường nhưng để giữ gìn nó, điều đó phụ thuộc nhiều vào các em học sinh, giáo viên trong trường. Bây giờ tôi nghĩ, với những trái tim biết yêu thương như thế này, trường Lương Thế Vinh chắc chắn sẽ ngày càng tốt hơn. Đây cũng là một bài học cho chúng tôi, rằng chỉ khi thật tâm yêu thương học sinh, chúng tôi mới có thể giáo dục các em nên người.


Cô Thùy Dương cho biết, thầy Cương đã rất xúc động khi xem clip học sinh gửi tặng.

Đối với bố tôi, khi xem clip học sinh hát tặng, ông đã xúc động tới trào nước mắt. Trước đó, ông không ăn được gì nhưng sáng hôm sau khi xem clip, ông đã ngồi dậy và ăn được một chút phở, ăn một cách ngon miệng chứ không chỉ đơn thuần là sự cố gắng. Thay mặt gia đình, tôi chỉ muốn nói lời cảm ơn sâu sắc đến tất cả các em học sinh. Tôi cũng muốn cảm ơn cha mẹ các em, vì chính họ đã sinh thành những đứa trẻ đáng yêu. Để rồi hôm nay, các em không chỉ làm nên một liều thuốc tinh thần giúp thầy Cương mà còn giúp lan tỏa những hiệu ứng tích cực trong xã hội này.

LEAVE A REPLY